Lịch tết từng có thời điểm là món hàng được quan tâm đặc biệt mỗi khi năm hết, Tết đến. Lúc đó, đủ các loại lịch: lịch tuần, lịch 13 tờ, lịch bloc, lịch tờ, lịch bàn… được các nhà xuất bản đua nhau tung ra thị trường và có thể mua ở bất cứ cửa hàng nào.
Ở Hà Nội, trước đây, hàng chục nhà xuất bản, hàng chục công ty sách vào cuộc đua làm lịch. Những mùa làm lịch đã tạo thêm nguồn thu cho nhiều nhà xuất bản, giúp họ gồng gánh qua một mùa xuân tươi tắn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người đã không còn thói quen mua lịch về treo nữa. Thay vì xé lịch mỗi ngày, những người trẻ tuổi lựa chọn xem lịch trên điện thoại, trên máy tính… Những tiện ích đó khiến cho thị trường lịch những năm gần đây cũng suy giảm về số lượng.
Vậy, bây giờ còn ai mua lịch Tết nữa không? Câu trả lời là vẫn có. Những ngày cuối năm dương lịch như thế này, lịch treo tường vẫn là món hàng được nhiều người quan tâm và thị trường lịch Tết cũng xôn xao mùa vụ. Chỉ có điều, đúng là so chừng mươi năm về trước, thị trường lịch Tết đã giảm sút đi rất nhiều. Số lượng người mua ít dẫn tới các tỉnh, thành phố cũng không nhập lịch về bán nhiều như trước. Người dân cũng thắt chặt chi tiêu, số người giữ thói quen mua lịch về treo cũng ít dần. Chính điều này cũng là tác nhân khiến cho thị trường bán lẻ lịch bị giảm sút. Nhiều người có tâm lý chờ đợi được tặng lịch để giảm đi một khoản chi phí. Một số khác thì đợi vài tuần nữa, khi các cửa hàng treo biển “đại hạ giá” mới mua.
Với người Việt, Tết vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Gần gũi vì Tết là một sinh hoạt văn hóa mỗi năm một lần, gắn liền với những bước đường đời của con người ngay từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Tết như cánh cửa thời gian khép lại một năm cũ qua đi để đón chào một năm mới với những rộn ràng, bâng khuâng, mong nhớ.
Tết cũng là dịp mỗi người thiết lập thêm những mối quan hệ mới, thắt chặt tình thân, tình bè bạn; được du xuân khám phá cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình; nạp thêm cho mình những nguồn năng lượng mới để cống hiến và yêu hơn quê hương, Tổ quốc mình.
Không chỉ vậy, Tết còn là biểu tượng mang ý nghĩa linh thiêng trong tâm thức cộng đồng. Mỗi độ Tết đến xuân về, ở khắp mọi nơi, nhất là đối với những người dân xa xứ lại luôn trào dâng những cảm xúc bâng khuâng, niềm nhớ gia đình, quê hương, nơi có ông bà, cha mẹ người thân cũng đang chờ đợi giây phút được gặp lại những người con xa quê trở về.
Nhắc đến Tết là nhắc đến những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ, nhớ những chặng đường gian khó, những kỷ niệm buồn vui, những tháng ngày tươi đẹp của mỗi người, mỗi gia đình, thậm chí là những bước đường lịch sử của dân tộc. Vì thế Tết là sợi dây gắn bó, kết nối giữa quá khứ với hiện tại; là hành trình của thời gian, giúp con người trở về với cội nguồn.
Tuy nhiên, vẫn có những người chủ động mua lịch Tết. Nói cách khác, lịch Tết hiện đi vào chiều sâu. Chỉ các đơn vị sản xuất lịch lâu năm, có kinh nghiệm, có lợi thế khách hàng mới trụ lại thị trường này. Những đơn vị làm ăn chộp giật, ăn theo thường đã bỏ cuộc, nhất là thời điểm dịch bệnh như hai mùa lịch Tết khá “băng giá” trước đây. Các đơn vị còn lại, tham gia thị trường lịch Tết đều hiểu rất rõ từng phân khúc khách hàng. Điều đó đã khiến họ chủ động trong việc quyết định in ấn số lượng mỗi mẫu lịch, tránh bị tồn ế. Vì đầu tư theo chiều sâu, nên ngày nay, để đáp ứng được các phân khúc khách hàng, các đơn vị làm lịch Tết cũng đưa ra nhiều mẫu lịch, từ giá bình dân cho tới giá cao cấp. Những mẫu lịch cao cấp được đầu tư về thiết kế, chọn ảnh, đầy đủ các phụ kiện kèm theo để khách hàng về treo… Thí dụ, những bộ lịch với chủ đề về biển đảo, những thắng cảnh nổi tiếng đất nước, hay giới thiệu các bảo vật quốc gia càng cho thấy nếu nuôi dưỡng thói quen xé một tờ lịch mỗi ngày cũng là cách tiếp nhận tri thức văn hóa, lịch sử. Đây cũng là gợi ý và đòi hỏi tiếp tục phải tìm tòi, sáng tạo cho những đơn vị nào vẫn còn gắn bó với sản phẩm kinh doanh đậm chất văn hóa và thời vụ này.