Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Âm lịch 2024. Thời điểm này, nhiều ấn phẩm lịch Tết đã được bày bán với đa dạng kiểu dáng, mẫu mã.
Hiện nay, dù đã có các thiết bị điện tử như đồng hồ, máy tính, điện thoại để xem ngày, tháng, nhưng ấn phẩm lịch Tết treo tường vẫn một sản phẩm tinh thần không thể thiếu đối với nhiều người. Không chỉ để xem ngày, tháng, nhiều bộ lịch còn mang đến những kiến thức về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh. Nhiều bộ lịch được các nhà xuất bản, đơn vị in ấn, thiết kế công phu, trở thành một tác phẩm nghệ thuật bài trí trong phòng làm việc, trong không gian phòng khách. Lịch Tết 2024 thể hiện những chủ đề như hình tượng con rồng là con giáp của năm, những chủ đề về phong cảnh thiên nhiên, phong thủy, sinh vật cảnh, các loại hoa. Màu sắc chủ đạo vẫn là đỏ và vàng mang ý nghĩa may mắn, tài lộc. Lịch bloc hiện vẫn được ưa chuộng nhiều nhất bởi sản phẩm mang đậm tính thẩm mỹ.
Lịch Tết vẫn là thứ không thể thiếu đối với nhiều người mỗi khi năm cũ qua đi, năm mới sắp đến
Tại Nhà sách Tiền Phong trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương), những ấn phẩm lịch Tết đã được nhập về. Theo chị Trần Thị Hoa, Cửa hàng trưởng, nhà sách hiện có hơn 20 đầu ấn phẩm lịch với tổng số 100 cuốn gồm lịch bloc, lịch để bàn, treo tường. Theo đánh giá của chị Hoa, so với cùng kỳ mọi năm, năm nay chưa có nhiều người mua lịch Tết. Ngoài chất liệu bằng giấy, bìa cứng quen thuộc, tại Nhà sách Tiền Phong còn bày bán lịch bloc và để bàn bằng gỗ. Lịch để bàn có giá 150.000 đồng/ấn phẩm, lịch bloc 250.000 đồng/ấn phẩm.
Tại Hiệu sách nhân dân TP Hải Dương, các ấn phẩm lịch Tết được bày ngay lối đi vào để khách hàng dễ lựa chọn. Nhân viên bán hàng tại đây cho biết, theo thói quen của nhiều người tiêu dùng thì phải đến thời điểm cận kề năm mới họ mới bắt đầu xem, lựa chọn lịch Tết. Tại đây, các ấn phẩm lịch cũng rất đa dạng từ lịch bỏ túi cho đến lịch treo tường… Mức giá trung bình từ 25.000-50.000/bộ lịch để bàn; từ 150.000-700.000 đồng/bộ lịch bloc.
Ngoài mua trực tiếp tại các hiệu sách, cửa hàng, người tiêu dùng có thể mua các ấn phẩm lịch Tết 2024 trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki... với nhiều mẫu mã đa dạng, các mức giá tùy theo chất liệu, kích cỡ của ấn phẩm.
Nhà sách Tiền Phong bày bán một số ấn phẩm lịch Tết của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật như “Văn hiến ngàn năm”. Bộ lịch này được giới thiệu là kế thừa bộ lịch “Bảo vật quốc gia” của năm 2023 nhưng được thiết kế mới và bổ sung 27 bảo vật quốc gia được vinh danh đầu năm 2023. Bộ lịch “Đất nước nhìn từ biển” quảng bá hình ảnh mới, ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam. Ngoài ra, đáng chú ý là lịch bloc “Truyện Kiều” cũng là ấn phẩm của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật. Bộ lịch này lựa chọn giới thiệu bản “Truyện Kiều” được chép tay bằng chữ Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn, từng được bày bán ở một hiệu sách cổ tại Paris (Pháp). Sau đó, được thư viện Anh quốc sưu tầm, nằm trong bộ sưu tập cổ thư của thư viện này từ năm 1894. Bên cạnh phần chữ Nôm, lịch có phần chữ quốc ngữ và tranh minh họa giàu tính nghệ thuật.
Ngoài chất liệu quen thuộc như giấy, bìa cứng, thị trường lịch Tết năm nay còn xuất hiện một số chất liệu mới như gỗ
Lịch Tết là ấn phẩm mang nhiều thông điệp văn hóa, lịch sử. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các nhà xuất bản, đơn vị in ấn đã lựa chọn các chủ đề với các thiết kế công phu, in ấn bắt mắt, tạo nên nét riêng biệt cho lịch Tết 2024.
Ý nghĩa của Tết cổ truyền
Tết Âm lịch (hay Tết Cổ truyền hoặc được gọi đơn giản là Tết) là ngày lễ lớn nhất trong các lễ hội ở Việt Nam, có vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Đây là dịp để mọi người đoàn tụ với gia đình, về thăm quê hương và tưởng nhớ tổ tiên.
Trong tâm thức của người Việt, ngày Tết chính là ngày của sự sum họp, đoàn viên. Dù đang ở đâu, làm bất cứ nghề gì, người ta đều mong được trở về nhà ăn bữa cơm tất niên cùng gia đình, được lễ bái trước bàn thờ tiên tổ.
Vào ngày 30 Tết, theo phong tục, nhà nào cũng chuẩn bị đủ hai mâm cúng tổ tiên ông bà và các thần linh đúng khoảnh khắc giao thừa để xóa bỏ hết những đen đủi, muộn phiền năm cũ và chào đón năm mới an lành, hạnh phúc.
Ngày mùng 1 Tết, các gia đình chờ đón người xông đất đầu năm. Ông bà ta quan niệm, sau thời điểm giao thừa, ai bước vào nhà đầu tiên với lời chúc mừng năm mới sẽ chính là người xông đát. Thông thường, chủ nhà sẽ mời người nào tốt số, hợp vía, hợp tuổi với gia chủ để đến xông đất nhà mình. Người xông đất cũng phải vui vẻ, sức khỏe dồi dào, để đem lại may mắn cho gia chủ trong năm mới.
Cũng trong ngày đầu năm, bố mẹ, ông bà thường mừng tuổi con trẻ với lời chúc mạnh khỏe, ngoan ngoãn, an lành. Con cháu trưởng thành cũng lì xì ông bà cha mẹ để cầu mong họ luôn mạnh khỏe, ở bên mình thật lâu.
theo báo Hải dương